Hội nghị do ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp chủ trì với sự tham gia của 80 đại biểu là đại diện một số đơn vị khối cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ; đại diện một số Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc trung bộ. Đại diện Viện nghiên cứu, Trường đại học; Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp; Văn phòng Chứng chỉ rừng. Đại diện các Hiệp hội: Hội Chủ rừng, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam. Đại diện một số chủ rừng là tổ chức nhóm hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản. Các tổ chức chứng chỉ rừng (PEFC, FSC); các tổ chức đánh giá chứng chỉ rừng (GFA, SGS, BV). Một số tổ chức Quốc tế: GIZ, WWF, TRAFFIC, DAI, RECOFTC.
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án và sự chủ động vào cuộc của các chủ rừng, doanh nghiệp, đến nay hơn 70% diện tích của chủ rừng là tổ chức đã được xây dựng phương án QLRBV; diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của cả nước là hơn 450.000 ha, đạt hơn 90% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã xác định tại Chiến lược phát triển Lâm nghiệp.
Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp, chủ rừng, các tổ chức chứng chỉ rừng chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chứng chỉ rừng (CCR) và nêu những khó khăn trong quá trình thưc hiện QLRBV và CCR để tìm ra giải pháp thúc đẩy QLRBV và CCR trong giai doạn tới.
Sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ VFCS/PEFC và FSC
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nhấn mạnh một số công việc cần triển khai trong thời gian tới như sau: về cơ chế chính sách cần tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, hướng dẫn liên quan đến QLRB và CCR, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ rừng, doanh nghiệp chế biến tham gia vào công tác QLRBV và CCR. Tiếp tục triển khai Đề án QLRB và CCR nhanh, hiệu quả. Đối với Văn phòng CCR Việt Nam: cần chủ động trong vận hành Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng, thương hiệu tin dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đối với Tổ chức FSC, Cục trưởng đề nghị Tổ chức này sớm nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm đảm các hoạt động về đánh giá cấp CCR phù hợp với quy định của Việt Nam cũng như góp phần thức đẩy QLRBV và CCR. Đối với các chủ rừng, đặc biệt là chủ rừng nhỏ cần tận dụng các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, liên doanh, liên kết tạo thành chuỗi giá trị trong lâm nghiệp tiến tới QLRBV và cấp CCR.
“Sau hội thảo này, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện cơ chế chính sách lâm nghiệp và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về QLRBV và CCR để chủ rừng nhỏ tiếp cận nhanh hơn việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng,” Cục trưởng Trần Quang Bảo nhấn mạnh.