Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn

QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG VIỆT NAM

Tăng cường công tác bảo vệ rừng mùa khô tại Gia Lai

Mộng Thường - Đình Quang/Quỹ BV&PTR tỉnh Gia Lai |

Trước tình trạng nắng nóng đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nguy cơ cháy rừng rất cao, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng với các cấp, các ngành và cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo không để xảy ra tình trạng cháy rừng trong mùa khô...

Trước tình trạng nắng nóng đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nguy cơ cháy rừng rất cao, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng với các cấp, các ngành và cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo không để xảy ra tình trạng cháy rừng trong mùa khô...

Thông tin thu nhận được từ hệ thống cảnh báo cháy rừng, cả nước có khoảng 120 vùng cảnh báo cháy cấp nguy hiểm - cấp IV và 114 vùng cảnh báo cấp cực kỳ nguy hiểm - cấp V, trong đó, Gia Lai đang trong tình trạng cao điểm, thông tin thu nhận, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài cấp độ cảnh báo cháy rừng thường xuyên ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), dễ xảy ra tình trạng cháy rừng.


Cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm thể hiện Gia Lai đang ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm

Dự báo trước các diễn biến này, ngay từ cuối năm 2023, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch số 2267/KH-UBND ngày 06/10/2022 của UBND tỉnh về việc phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Gia Lai mùa khô năm 2022 - 2023 và các năm tiếp theo; Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 29/5/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 20/02/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Công văn số 3474/UBND- NL ngày 11/12/2023 về việc triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 198/UBND-NL ngày 26/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Công văn số 573-UBND-NL ngày 14/3/2024 về tiếp tục tăng cường, chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh…. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị chủ rừng triển khai xây dựng Phương án PCCCR và thực hiện biện pháp làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng bằng đốt trước có điều khiển.

Thực hiện phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và cần đặc biệt chú ý an toàn tính mạng con người và tài sản khi tham gia chữa cháy rừng; chủ động phương châm “4 tại chỗ”: “Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” và “5 sẵn sàng”: “lực lượng sẵn sàng, phương tiện sẵn sàng, hậu cần sẵn sàng, chỉ huy sẵn sàng và thông tin sẵn sàng” trong công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời, tập trung tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng cho người dân; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; phân công lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra rừng, hướng dẫn các hộ dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, ngăn chặn không để cháy lan vào rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái.


Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngay từ đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai cũng linh động, kịp thời phân bổ và tiến hành giải ngân tiền chi trả DVMTR để các chủ rừng và UBND cấp xã có kinh phí triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Theo đó, căn cứ Quyết định số 30/QĐ-UBND-NL ngày 26/01/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2024, Quỹ đã giải ngân hơn 33 tỷ đồng, tương ứng 30% kế hoạch cho các chủ rừng và UBND cấp xã nhằm cùng với nguồn ngân sách nhà nước bố trí, phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.


Dự kiến kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các hạng mục của kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR của tỉnh Gia Lai khoảng 66 tỷ đồng; kế hoạch chi tiền DVMTR của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai (Quỹ) dự kiến chi trả cho các đơn vị cung ứng DVMTR là hơn 110 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, các đơn vị chủ rừng chủ động bố trí cho các hoạt động xây dựng Phương án PCCCR, tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình PCCCR,….


Hoạt động diễn tập PCCCR được tăng cường nhằm ứng phó kịp thời với tình hình thời tiết nắng nóng cực đoan tại Gia Lai

Như vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR đã được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số địa phương như: Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông, …. Và tại các huyện Chư Pưh, Ia Grai vẫn còn diễn ra tình trạng cháy rừng trồng chưa thành rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và gây bức xúc trong xã hội.

Trước tình hình này, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị liên quan, cần chủ động thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như:


   1. Dựa trên Kế hoạch PCCCR cụ thể, các đơn vị đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác các hành vi vi phạm. Cùng với đó, kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

 
   2. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; quán triệt, nghiêm túc tổ chức xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý; không tiếp tay cho các đối tượng phá rừng trái pháp luật.


    3. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các loại phương tiện dùng để khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn, nhất là phương tiện độ chế; triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm, đưa ra xét xử đối với các vụ án đến mức phải khởi tố hình sự, gắn với công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, giáo dục. Bố trí lực lượng theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tàng trữ, mua bán, tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc, gỗ khai thác trái phép theo quy định.


   4. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận nắm bắt và xử lý thông tin về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp; bảo đảm lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng phối hợp ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng, PCCCR.


   5. Tăng cường quản lý về hộ tịch, hộ khẩu; theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng tạm trú, tạm vắng, dân di cư tự do sống gần rừng và các đối tượng phát rừng làm nương rẫy, có khả năng xâm hại đến tài nguyên rừng và gây cháy rừng.


   6. Quan tâm, động viên đối với lực lượng bảo vệ rừng, cán bộ, chiến sỹ và chăm lo đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần cho các lực lượng xa nhà phải ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR tại hiện trường, các chốt, trạm....


   7. Đặc biệt trong mùa khô, công tác PCCCR phải được thực hiện thường xuyên, trong đó chú trọng việc phát dọn vật liệu cháy, bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, tuần tra canh gác lửa rừng; đầu tư trang thiết bị cho công rác phòng cháy, tăng cường hệ thống cảnh báo; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; luôn sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra; tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng....
Mộng Thường - Đình Quang/Quỹ BV&PTR tỉnh Gia Lai