Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn

QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG VIỆT NAM

Ngành Lâm nghiệp tăng trưởng toàn diện trong 6 tháng đầu năm

Văn phòng Tổng cục |

Ngày 07/7/2021 Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham dự và chủ trì Hội nghị.

Ngày 07/7/2021 Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của một số đơn vị thuộc Bộ, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp tham dự tại Hà Nội. Đại diện 06 Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục và 04 Chi cục Kiểm lâm vùng tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa thông tin, trong 6 tháng đầu năm Tổng cục Lâm nghiệp đã bám sát nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương và tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện những giải pháp chỉ đạo kịp thời trong lĩnh vực lâm nghiệp, đạt được những kết quả cụ thể.
Trong công tác phát triển rừng, cả nước đã chuẩn bị được được 658 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2021. Diện tích rừng trồng mới tập trung 108.258 ha, đạt 41,6% kế hoạch, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, cả mước đã trồng trên 48,5 triệu cây phân tán.
Tổng diện tích rừng trên phạm vi cả nước đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 306.726 ha (gồm chứng chỉ FSC và VFCS/PEFC), trong đó diện tích rừng được cấp chứng chỉ theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS là 55.002 ha. Riêng 6 tháng đầu năm, đã thực hiện cấp chứng chỉ trên 38 nghìn ha, ước cả năm sẽ cấp chứng chỉ quản lý bền vững cho khoảng 100 nghìn ha rừng.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo. Số vụ vi phạm đã phát hiện 1.329 vụ, giảm 114 vụ (tương ứng giảm 8%) so với cùng kỳ năm 2020. Thu nộp ngân sách 29,5 tỷ đồng. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.210 ha, giảm 1.380 ha (tương ứng giảm 53%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích thiệt hại do cháy là 283 ha, do phá rừng trái pháp luật 672 ha.
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 6,8 triệu m3 đạt 32% kế hoạch năm 2021, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Gỗ các loại 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; sản phẩm gỗ 6,35 tỷ USD, tăng 75,4%; lâm sản ngoài gỗ 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%. Dự báo cả năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020.
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ trong đó: gỗ nguyên liệu 1,15 tỷ USD, tăng 10,8%;  sản phẩm gỗ 0,389 USD, tăng 476,1%.
Thu dịch vụ môi trường rừng cũng đã tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng số tiền đã thu được 1.431,7 tỷ đồng. Quỹ Trung ương điều phối 769,31 tỷ đồng nguồn tiền năm 2021 cho các địa phương.  Quỹ tỉnh đã thực hiện thanh toán cho chủ rừng 2.203,38 tỷ đồng tiền năm 2020 (đạt 88%) và 204,60 tỷ đồng tiền năm 2021 bằng hình thức phi tiền mặt.
Báo cáo cũng đã nhìn nhận, đánh giá cụ thể những mặt hạn chế, khó khăn và chỉ ra nguyên nhân như còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh Khu vực Tây Nguyên: Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trong thời gian qua nhất là các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Đắc Nông.... Một số vụ phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời. Tiến độ trồng rừng, trồng cây phân tán; công tác kiểm tra, đôn đốc bị hạn chế; nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, như chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng, chính sách về đất đai, chính sách bảo hiểm, đầu tư cơ sở hạ tầng lâm nghiệp,... còn nhiều khó khăn, chưa khuyến khích được người dân, doanh nghiệp tham gia. Việc thanh toán nguồn tiền DVMTR năm 2020 đến chủ rừng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở những địa phương có số lượng chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng lớn và nằm rải rác trên khắp địa bàn tỉnh như Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, ...


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp và ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thay mặt lãnh đạo Bộ biểu dương Tổng cục Lâm nghiệp và toàn ngành lâm nghiệp đã khắc phục những khó khăn, phát huy thành quả, nỗ lực, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp vào sự thành công chung của Bộ. Thứ trưởng khẳng định, những số liệu đã thể hiện rõ chuỗi giá trị lâm nghiệp bền vững từ tạo vùng nguyên liệu đến khai thác và chế biến. Thứ trưởng cũng đặc biệt ấn tượng với kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp và toàn ngành tuyệt đối không chủ quan. Cần xây dựng cụ thể các kịch bản để ứng phó kịp thời với tất cả các hiện tượng thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và các diễn biến phức tạp của thị trường, không để bị động, lúng túng. Công tác phát triển rừng cần phấn đấu hoàn thành và vượt mức để phát triển ngành từ gốc, tạo nguồn nguyên liệu chế biến. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội để có giải pháp tránh đứt gãy chuỗi lưu thông sản phẩm, quan tâm thị trường trong nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định Tổng cục Lâm nghiệp cũng như ngành Lâm nghiệp sẽ cố gắng hoàn thành và có thể vượt mức các chỉ tiêu, kiên quyết chưa đề xuất giảm bất kỳ chỉ tiêu nào. Đặc biệt đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ về tỷ lệ tăng trưởng, giá trị xuất khẩu lâm sản, tỷ lệ che phủ rừng. Tổng cục trưởng cũng đề nghị các đơn vị trong Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Tổng cục